"Bản nhạc của tồn tại và hư vô, của hạnh phúc và tuyệt vọng." - Vị Vua mang tên Beast666
Emily Dickinson, c. 1862 Mỗi người đều có một tiêu chuẩn riêng để đánh giá cao một tác phẩm văn học mà họ ưa thích - số thì chú trọng vào tính giải trí, số khác lại tập trung hơn vào những giá trị trí tuệ sâu sắc. Cá nhân mình thuộc về nhóm thứ nhất; điều mình tìm kiếm chủ yếu từ việc thưởng thức văn học là niềm vui, và nếu có ai cố thuyết phục mình đi theo kiểu quan điểm “đọc để khai sáng tâm hồn, làm giàu trí óc, blah blah...” thì mình sẽ không ngần ngại đáp gọn rằng “như thế chán chết.” Nhưng trong bài cảm nghĩ này, mình tin rằng một góc nhìn khách quan là điều cần thiết, cho nên mình sẽ thử động não một chút để nói về visual novel Subarashiki Hibi ~ Furenzoku Sonzai~ (từ giờ xin gọi tắt là SubaHibi) và cố đi sâu vào ba trọng tâm sau:
Muốn xác định công bằng giá trị của một tác phẩm văn học thì trước tiên ta phải xác định được giới hạn mà chính tác giả đặt ra cho nó. Trong thể loại visual novel, chiếm những vị trí cao nhất trên thang điểm đánh giá của cộng đồng là những tác phẩm “mạo hiểm” với tham vọng lớn về giá trị văn học/triết lý và diễn đạt được chúng một cách thành công; trong khi những tựa moege “an toàn” với đồ họa cuốn hút, chủ đề tình cảm lãng mạn cùng lối viết phổ thông, dễ tiếp cận thường giữ được điểm số ổn định ở mức khá cao - nhưng không bao giờ quá cao. Hai trọng tâm còn lại sẽ đóng vai trò phác họa nên một hình ảnh chính xác về vị trí mà tác phẩm được đặt bên trong giới hạn ấy. Mình tin rằng SubaHibi là một tác phẩm mang tham vọng cao vút tận trời xanh, nhưng liệu nó có thành công ở khâu truyền tải tham vọng ấy hay không lại là một câu hỏi khá khó giải đáp đối với mình. Có thể nói SubaHibi là một “nguyên mẫu” của thể loại visual novel, vì gần như toàn bộ nội dung của nó rất khó có thể được thể hiện qua hình thức truyền thông nào khác. Thử tưởng tượng một manga hay anime (xin đừng bấm vào link nếu bạn còn coi trọng sự tỉnh táo của bản thân, mình chỉ gán đùa thôi) chuyển thể mạch diễn đạt của SubaHibi ở mức “chấp nhận được” thôi đã gần như bất khả thi chứ chưa nói đến mức “thành công” - và đó là còn chưa xét đến những phân cảnh mang yếu tố “gây sốc” làm nên tiếng xấu của tác phẩm này trong một lượng không nhỏ những người biết tới nó. Một người bạn của mình nhận xét rằng SubaHibi biết cách “đánh vào tâm lý,” hay nói văn hoa hơn thì là “làm đảo lộn giá trị quan” của độc giả. Những điều xảy ra trái ngược với giá trị quan của mỗi cá nhân không nhất thiết luôn phải là tiêu cực, ví dụ như khi đội thể thao mà bạn yêu thích giành được chiến thắng trước một đối thủ lớn mà chính bạn cũng không tin rằng họ có thể đánh bại chẳng hạn. Trong tình huống ấy, giá trị quan của bạn bị đảo lộn bởi cảm xúc bất ngờ ngoài dự kiến, dẫn tới sự mở mang trong nhận thức về kì vọng (Có lẽ ta không nên mất niềm tin vào chiến thắng của đội mình ủng hộ chỉ vì họ bị đánh giá chuyên môn thấp hơn). SubaHibi cũng vậy - ấn tượng đầu tiên nó để lại trong mắt phần đông công chúng là sự “đảo lộn” trong giá trị quan đạo đức (hay nói trắng ra là sự bất mãn trước các tình tiết và nhân vật). Tuy vậy nhưng mình tin rằng với lý do tương tự như trong ví dụ vừa nêu, hầu hết các độc giả có học thức sẽ nhìn nhận sự đảo lộn ấy theo chiều hướng tích cực hơn là tiêu cực sau khi đọc xong toàn bộ câu chuyện (Có lẽ ta không nên đinh ninh rằng mình sẽ đánh giá thấp một tác phẩm chỉ vì nó gây cho ta sự bất mãn khi đọc). Nếu nhìn vào đánh giá tổng thể mà SubaHibi nhận được trên những diễn đàn lớn như VNDB và EGS thì một tác phẩm luôn giữ ổn định được điểm số trung bình xấp xỉ 9/10 không lý nào chỉ là ngẫu nhiên hay do may mắn - rõ ràng nó đã đạt được thành công trên một phương diện nào đó.
Câu hỏi mà chúng ta đang cố giải đáp là liệu sự thành công ấy có đúng với tham vọng của SubaHibi hay không. Như đã đề cập, phương thức diễn đạt của tác phẩm này có dùng tới những yếu tố “gây sốc” để đánh vào tâm lý độc giả, nhưng hiển nhiên SubaHibi không thuộc thể loại kinh dị, cho nên đó chỉ là một phần chứ không phải trọng tâm. SubaHibi thực sự là một tác phẩm hết sức phức tạp, không phải về cốt truyện, mà về quy mô. Mình dám chắc những ai dám khẳng định (hay thậm chí là ám chỉ) rằng họ nhìn thấu hoàn toàn được tác phẩm này đều chỉ đang nói khoác. Ta có thể ví SubaHibi như một bài toán chưa có lời giải - mọi yếu tố có liên quan tới tổng thể đều đóng vai trò tạo dựng cơ sở cho đáp án mà chúng ta muốn tìm. Hầu hết các chi tiết đáng đề cập đều được phát triển cặn kẽ, khiến người ta có cảm giác rằng mình đã “hiểu được” khi đọc qua - nhưng SubaHibi lại là một bài toán cần tới vô vàn yếu tố lớn nhỏ để tìm ra cách giải quyết xác đáng, và nếu như đáp án đúng là độc nhất thì chỉ một lỗi sai trong một phần rất nhỏ thôi cũng khiến cả tổng thể trở nên méo mó và sai lệch. Cốt truyện của SubaHibi không phức tạp theo kiểu trừu tượng hay ma quái quá mức; tuy khá rối rắm do lối diễn đạt đa góc nhìn nhưng hầu hết những chi tiết “xoắn não” đều được làm sáng tỏ trước khi mạch sự kiện chung kết thúc. Không phải lúc nào một cốt truyện quá cầu kì cũng là điều cần thiết để làm nên tên tuổi cho tác phẩm. Nhìn vào một số vở diễn kinh điển như Romeo & Juliet, hoặc liên quan hơn, Cyrano de Bergerac, ta thấy đó là những tác phẩm với cốt truyện khá đơn giản và dễ hiểu, vì giá trị đáng nhớ của chúng nằm ở chủ đề - ở tư tưởng mà chúng muốn truyền đạt chứ không nằm trong câu chuyện được viết ra để phục vụ mục đích ấy. Nhưng nếu mang hai tác phẩm đó ra so sánh với SubaHibi thì lại quá bất công cho SCA-JI. Như đã đề cập, nội dung của SubaHibi chỉ có thể được thể hiện trọn vẹn dưới hình thức visual novel. Với lối viết đa chủ thể và tận dụng triệt để những ưu điểm đặc trưng của thể loại này, SCA-JI đã thành công trong việc giúp độc giả nắm bắt được một cốt truyện kì bí với nhiều yếu tố mơ hồ bằng cách diễn đạt lôi cuốn và khả thi. Nếu phải chọn một điều để khen ngợi SubaHibi, điều đầu tiên mình nhắc tới chắc chắn sẽ là sự lỗi lạc trong cấu trúc của phương thức biểu đạt mà nó chọn lựa. Tiếp đến là giá trị về mặt thẩm mỹ - do thuộc vào loại người “tai trâu mắt thịt” nên mình không dám nói gì hơn về phần âm nhạc hay đồ họa ngoài hai chữ “hay” và “đẹp”. Chưa hết, SubaHibi còn có một dàn nhân vật đa dạng và được phát triển tốt; mỗi nhân vật đều có chiều sâu và tầm quan trọng riêng trong tổng thể cốt truyện. Đó cũng là một điểm xuất sắc nữa của tác phẩm, nhưng xin phép không đề cập sâu hơn vì mình tin rằng tham vọng của SubaHibi không nằm trong phần cốt truyện.
Quay lại câu hỏi chính - đâu mới là yếu tố khiến cho SubaHibi phức tạp đến vậy? Có phải là do phạm vi rộng lớn của những điều mà nó đề cập tới? Quả thực đây là một tác phẩm tham chiếu đến rất nhiều chủ đề - văn chương, đương đại và cả triết lý, khiến trực giác người đọc mặc định rằng nó “phức tạp” do nghĩ rằng sẽ phải hiểu toàn bộ những đề tài phái sinh để có thể nắm bắt chính xác ngữ cảnh nơi nó được đề cập đến. Cá nhân mình không quá thỏa mãn với kết luận đó. Suốt quá trình đọc SubaHibi, mình luôn để sẵn Google qua một bên để có thể tra cứu thêm về những chi tiết nằm ngoài tầm hiểu biết của bản thân. Dù vậy, mình nghĩ sự đa dạng trong chủ đề không đóng vai trò đủ quan trọng để có thể được coi là nòng cốt của tác phẩm. SubaHibi thường xuyên ứng dụng tới các đề tài mông lung để tạo diễn biến hoặc mở rộng một số khái niệm nhất định, và có được cả sự hàm súc trong phần giải thích lẫn sự liền mạch trong việc liên kết chúng vào cốt truyện chủ đạo. Còn về những đề tài không được nêu đích danh (vài điển tích từ thần thoại Hy Lạp và một số cổ văn khác), chúng đóng vai trò tạo thêm “bầu không khí” chứ không có gì quá mới mẻ và đáng kể. Vì vậy, mình tin rằng phạm vi chủ đề rộng cũng không phải là yếu tố chính khiến cho SubaHibi phức tạp, mà chỉ góp phần bổ sung thêm - và do “bổ sung” tức là thêm vào cái đã có sẵn, những chủ đề ấy rõ ràng không thiết yếu cho nền tảng đã vững chắc sẵn của tác phẩm. Sự uyên thâm của SubaHibi bắt nguồn từ những triết lý của một triết gia người Áo mang tên Ludwig Wittgenstein, mà cụ thể hơn là từ tác phẩm “Cương lĩnh Luận lý và Phê bình Triết học” (Tractatus Logico-Philosophicus). Cấu trúc của cương lĩnh này khá súc tích, tổng độ dài chỉ vỏn vẹn 75 trang, với nội dung là những lời tuyên bố hết sức “hiển nhiên”, chỉ nêu ra mà không hề có gì xác thực - một điều hết sức bất thường trong giới triết học, khi mà hầu hết những học thuyết được đề cao đều có kèm theo lập luận chính đáng và thuyết phục. Dường như trong Tractatus, Wittgenstein đã tự đặt mình vào vị trí Thượng Đế để đề ra những chân lý tối cao, buộc người ta thừa nhận không chứng minh. Dưới đây là một số mệnh đề nổi bật và trung tâm nhất: 1 - Thế giới là tổng thể của những gì được hình thành. 1.1 - Thế giới là tổng thể của những sự kiện, không phải của những sự vật. 5.621 - Thế giới và sinh mệnh là một. 5.63 - Ta là thế giới của ta. (một tiểu vũ trụ). 5.632 - Chủ thể không thuộc về thế giới, mà là giới hạn của thế giới. 6.374 - Ngay cả khi tất cả những gì ta mong muốn đều xảy ra, thì đó vẫn chỉ là một đặc ân từ định mệnh, vì không có một mối quan hệ luận lý nào giữa ý chí và thế giới để xác chứng cho điều ấy; và cả sự giả thiết về mối quan hệ vật lý cũng chắc chắn không phải là điều khả thi bởi ý chí của ta. 6.41 - Ý nghĩa của thế giới phải nằm bên ngoài thế giới. Trong thế giới, mọi sự vật và sự kiện đều tồn tại và xảy ra một cách hiển nhiên. Trong đó giá trị là điều không tồn tại, và dù có tồn tại đi chăng nữa thì nó vẫn vô giá trị. Nếu có tồn tại một giá trị có giá trị, thì nó phải nằm ngoài toàn thể quyển vực của mọi sự xảy ra và hình thành. Bởi vì tất cả mọi sự xảy ra và hình thành đều là ngẫu nhiên. Điều khiến cho chúng mất đi tính ngẫu nhiên không thể tồn tại bên trong thế giới, vì nếu vậy thì chính thế giới cũng là ngẫu nhiên. Ý nghĩa phải nằm ở bên ngoài thế giới. Một kẻ tạch triết 3 năm liền như mình rõ ràng không đủ khả năng để phân tích triết lý của Wittgenstein một cách thuyết phục, nhưng đó lại là yếu tố then chốt để giúp ta có thể “giải thích” được SubaHibi. Nhận diện những tình tiết nơi các triết lý nêu trên được áp dụng và tác phẩm là điều không mấy khó khăn; ngữ cảnh trong SubaHibi có khả năng giúp chúng ta hiểu được những mệnh đề trong luận cương của Wittgenstein chỉ nhờ trực giác. Tuy nhiên, nắm bắt được chừng đó lý luận một cách riêng biệt cũng mới chỉ cung cấp cho độc giả một chút nhận thức cơ bản - về sự liên hệ của chúng với cốt truyện của SubaHibi. Muốn hiểu được “kết luận” hay “ý định tối thượng” mà SubaHibi muốn truyền đạt (mà theo mình là yếu tố quan trọng nhất của tác phẩm), ta không đơn giản chỉ cần hiểu, mà phải suy nghĩ giống Wittgenstein tới tận cấp độ trực giác. Đối với bản thân mình thì đó lại là điều bất khả thi. Thật là khó xử cho mình, vì… Mình đánh giá cao cốt truyện của SubaHibi. Nó đạt được thành công trong cách triển khai, cũng như có đủ chiều sâu, sự cuốn hút lẫn giàu cảm xúc. Nhưng rồi càng về cuối, cốt truyện ấy lại càng bị gạt xa hơn qua một bên để làm nền cho “ý định tối thượng” (cá nhân mình vẫn còn băn khoăn không rõ liệu Zakuro có vai trò gì ngoài một “plot device” phục vụ cho diễn biến câu chuyện hay không, và liệu những cái kết có phần chóng vánh và hụt hẫng có phải là hướng đi đúng cho tác phẩm hay không). Thâm tâm mình tin rằng “ý định tối thượng” của SubaHibi là một điều gì đó rộng lớn về khuôn khổ và thâm thúy về nghĩa lý. Ấy vậy nhưng đó lại là phần mà mình cảm thấy khó hiểu nhất trong toàn bộ tác phẩm. Phải chăng trong mắt mình, SubaHibi là một tác phẩm đặt trọng tâm vào cốt truyện, còn phần triết lý chỉ là những hàm ý bổ sung? Suy cho cùng thì cốt truyện rõ ràng là phần “dễ hiểu” nhất của SubaHibi (nếu ta không tính tới “Tsui no Sora II”). Cốt truyện của SubaHibi không đơn thuần chỉ xây dựng tốt mạch diễn biến huyền bí, mà còn xuất sắc về mỹ quan trình bày và phát triển nhân vật. Dù vậy, mình nghĩ việc cố đặt “trọng tâm” của SubaHibi vào phần cốt truyện - chưa xét đến việc đúng hay sai - cũng là một sự rạch ròi quá trớn và không cần thiết. Đây là một tác phẩm nhắm tới mục đích xa xôi hơn, nhưng vẫn rất khó phân loại về bản chất. Cứ cho rằng mọi ưu điểm về cốt truyện, diễn đạt và nhân vật đều chỉ là hệ quả phái sinh ngẫu nhiên trên con đường dẫn tới “ý định tối thượng” thì đó vẫn cứ là những thành công đáng được tán dương, cho dù mình chưa hẳn đã nắm bắt rõ được những triết lý mà tác phẩm đưa ra.
Giả sử một sinh viên thời nay nộp bài tập triết với lối viết như của Tractatus thì rõ ràng không giảng viên nào có thể chấm điểm đạt cho họ. Trong triết học, logic luôn là yếu tố được coi trọng hơn tính nghệ thuật. SubaHibi không khiến triết lý Wittgenstein dễ hiểu hơn, mà chỉ cung cấp một góc nhìn khác, và bản thân mình không đủ khả năng thưởng thức trọn vẹn. Nếu như chủ thể thực sự là giới hạn của thế giới thì một cá nhân sẽ luôn hành động theo những gì mà bản thân họ cho là đúng đắn. Vì vậy nên với tư cách một cá nhân, mình chỉ có thể đánh giá SubaHibi là một tác phẩm xuất sắc nhờ vào mặt cốt truyện, với triết lý là yếu tố bổ sung. Có lẽ lý do chỉ đơn giản là mình không hiểu được Wittgenstein, một triết gia với góc nhìn thường xuyên bị người đời diễn giải sai lệch và méo mó. SubaHibi là một tác phẩm xuất sắc - đó là điều mà mình có thể tự hào tuyên bố, không phải với thái độ phóng túng hay khoa trương, mà vững vàng như nói lên một chân lý. Nhưng điều chính xác khiến nó xuất sắc thì lại phụ thuộc vào quan điểm riêng của mỗi cá nhân. Bài viết tới đây cũng đã khá dài, nên mình sẽ xin phép tạm dừng tại đây. Hẹn gặp lại các bạn trong một bài viết khác khi mình lại có hứng tiếp tục suy nghĩ mông lung về SubaHibi. |
hot-post-2
2 Nhận xét
reeeeeeeeeee
Trả lờiXóaThực ra Subahibi là remake của tsui no sora. Nếu mà trong tsui no sora thì lảm nhảm về triết học với tập trung vào yếu tố denpa thì subahibi tập trung vào thông điệp sống hanh phúc. Mà tsui no sỏa II vẫn cứ mindfuck bằng triết học như thường :). Tóm lại là subahibi thể hiện suy tư của thánh Sca-ji cũng như sự phát triển của tư tưởng ổng so với tsui no sora. Ayana best girl <3
Trả lờiXóa